Phượng Khấu tính đến thời điểm hiện tại là một trong những series cực kì thu hút người xem, đặc biệt là khán giả của dòng phim cung đấu. Chính vì thế, không ít khán giả đã tò mò rất nhiều về danh phận của nội cung thời kì này. Những tưởng "ngon ăn" như khi tìm hiểu về Thanh triều qua loạt phim Như Ý truyện , Chân Hoàn truyện , Diên Hi Công lược ,... nhưng quả thực "khó xơi" hơn rất nhiều!
Danh vị của các bậc Trưởng bối phức tạp
Nhân vật Đức Bà (NSƯT Lê Thiện) được cả hậu cung kính sợ chính là vị trưởng bối địa vị cao nhất trong hậu cung lúc này. Bà là phi tần có địa vị đứng thứ hai trong hậu cung Hoàng đế Gia Long, là mẹ ruột của Hoàng đế Minh Mạng và chính là bà nội ruột của Hoàng đế Thiệu Trị. Chính vì thế, danh phận của bà vẫn luôn rõ ràng: dù chưa chính thức làm lễ tấn tôn, nhưng bà vẫn là Thái hoàng Thái hậu "một tay che trời".
Đức Bà ở Phượng Khấu.
Trong Mỹ Nhân Tâm Kế, Đậu Y Phòng (Lâm Tâm Như) cũng trải qua 3 đời vua và được tấn tôn Thái Hoàng Thái Hậu.
Với các phi tần khác của tiền triều, nếu như ở nhà Thanh, các vị này một số sẽ được Hoàng đế sắc phong thành các Thái Phi, Thái Tần, dọn ra khỏi tẩm cung trước đó để nhường chỗ cho hậu cung tân đế thì ở nhà Nguyễn, các phi tần tiền triều có 3 lựa chọn. Thứ nhất, chỉ một số rất ít được ở lại Đại Nội để chăm lo nhang khói cho các tiên đế, phần nhiều sẽ được thả về lại để ở cùng phủ với con trai của mình (đây là một điều khác biệt rất lớn giữa 2 quốc gia), một số còn lại sẽ được phân bổ trên các lăng tẩm tiên đế để phụng thờ suốt quãng đời còn lại.
Các thái phi và Thái hậu ở Chân Hoàn Truyện tập cuối.
Bà Phi Hiền có một địa vị phức tạp, khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều, bà cũng chính là một trong những sóng gió lớn nhất của các tập đầu Phượng Khấu. Thứ nhất, bà không phải là mẹ ruột của tân đế. Thứ hai, bà lại không có danh vị chính thất (Hoàng hậu) mà chỉ dừng ở Nhất giai Hiền Phi nên không thể xem là đích mẫu (mẹ cả) để tôn phong Hoàng Thái hậu. Tuy nhiên, bà lại là người được sủng ái nhất trong hậu cung tiên đế, địa vị vượt xa các phi tần còn lại. Chính vì thế, bà Phi Hiền cảm thấy địa vị Hoàng Thái phi là thích hợp và lưỡng toàn nhất. Tuy nhiên, chính việc Chu Phúc Năng đã đưa ra bộ phượng bào được giấu kín cho bà đã làm dấy nên tham vọng trở thành Hoàng Thái hậu.
Hàng loạt "chức tước" mới mẻ với khán giả mê cung đấu Việt Nam
Diễn biến của Phượng Khấu trong các tập đầu vẫn trong bối cảnh để tang tiên đế Minh Mạng, thế nên lúc này Hoàng đế Thiệu Trị vẫn chưa thể sách phong cho nội cung của mình, vẫn tạm gọi bằng các danh hiệu lúc còn ở tiềm để. Vợ của các Hoàng tử nhà Nguyễn gọi chung là các phủ thiếp, tuy nhiên, là một nhà nước trọng Nho giáo, nên việc đích - thứ, danh phận và thứ bậc vẫn rạch ròi.
Nguyên cơ là danh vị phong cho người vợ cả, chính thất của Hoàng tử. Trong phim, nhân vật Hiệu Nguyệt và Phương Nhậm cùng vào phủ thời gian khá gần nhau, tuy nhiên, qua sự kiện bắt trúng chiếc kim khấu có hình chim phượng của Nhân Tuyên Hoàng Thái hậu, Hiệu Nguyệt đã được phong làm Nguyên cơ, đường đường chính chính trở thành chính thất của Ông Hoàng Cả. Có thể thấy, danh vị Nguyên cơ khá tương đồng với Đích Phúc tấn của nhà Thanh, đều chỉ chính thất của một Hoàng tử (Lang Hoa trong Như Ý truyện, khi còn ở tiềm để, được phong làm Đích Phúc tấn của Bảo Thân vương Hoằng Lịch).
Ở Việt Nam có "Nguyên cơ" Hiệu Nguyệt...
Thì Đích Phúc tấn Phú Sát Lang Hoa trong Như Ý truyện có sự tương đồng dễ hình dung.
Trắc cơ là danh vị phong cho người vợ thứ, thứ thất của Hoàng tử. Trong phim, nhân vật Phương Nhậm lúc còn ở phủ Trường Thành được ban làm Trắc cơ, địa vị chỉ đứng dưới Nguyên cơ, tuy nhiên chắc chắn Phương Nhậm không hề an phận vì gia thế của bà lớn hơn Hiệu Nguyệt. Trắc cơ có thể xem như tương đồng với vị trí Trắc Phúc tấn của nhà Thanh (Như Ý và Hi Nguyệt trong Như Ý truyện, khi còn ở tiềm để, được phong làm Trắc Phúc tấn của Bảo Thân vương Hoằng Lịch).
Phương Nhậm khi chưa có danh vị thì được gọi Trắc cơ.
Như Ý khi còn ở Vương phủ cũng là Trắc Phúc tấn.
Thứ cơ/ Thị cơ có thể tạm xem tương đồng với địa vị Cách cách trong các Vương phủ nhà Thanh, danh phận của những vị này không phải là chính thức, chỉ là các thị thiếp theo hầu Hoàng tử mà thôi. Trong phim, ta có thể thấy Đoàn Viên, Tịnh Yên, Tịnh Xuyên, Dung Hạnh,... là các Thị cơ. Những người này phải tùy theo sự sủng ái của Hoàng đế thì mới có thể có địa vị được.
Đoàn Viên là Thị cơ ở tiềm để.
Thì Kim Ngọc Nghiên cũng là Cách cách lúc còn ở Vương phủ.
Hoàng đế định ra 9 cấp bậc, trên dưới chặt chẽ, chi li hơn Thanh cung
Nhà Nguyễn gọi chế độ nội cung của Hoàng đế là "Cửu giai", chia ra làm chín bậc. Một điều đặc biệt khác với nhà Thanh chính là việc nằm ở phong hiệu ở từng cấp. Nếu như ở nhà Thanh, phong hiệu sẽ khá độc lập, được Hoàng đế hoặc Nội vụ Phủ ban riêng cho từng cá nhân (ví dụ như Nhàn Phi, Thuần Tần, Gia Quý nhân,...) để biểu đạt tính cách cũng như ý tứ gửi gắm vào vị phi tần đó, phần lớn sẽ gắn liền với vị phi tần này cho đến mãi về sau, dù được tấn phong lên cấp bậc nào chăng nữa - nhà Nguyễn lại ngược lại. Các phong hiệu đều đã được định sẵn theo từng "giai", tuy nhiên theo mỗi đời Hoàng đế lại đổi khác, cơ bản triều Thiệu Trị của Phượng Khấu thì có:
CHẾ ĐỘ NỘI CUNG TRIỀU HOÀNG ĐẾ THIỆU TRỊ (1847)
Hoàng hậu (ít lập)
Hoàng Quý phi
Từ Nhất giai đến Ngũ giai, ở mỗi giai có thể có tối đa 3 người cùng tại vị.
Nhất giai: Quý phi (貴妃), Đoan phi (端妃), Lệnh phi (令妃).
Nhị giai: Thành phi (誠妃), Trinh phi (貞妃), Thục phi (淑妃).
Tam giai: Quý tần (貴嬪), Lương tần (良嬪), Đức tần (德嬪).
Tứ giai: Huy tần (徽嬪), Ý tần (懿嬪), Nhu tần (柔嬪).
Ngũ giai: Nhàn tần (嫻嬪), Nhã tần (雅嬪), Thuận tần (順嬪).
Từ Lục giai xuống Vị nhập giai, số lượng không hạn định ở mỗi giai
Lục giai Tiệp dư (六階婕妤).
Thất giai Quý nhân (七階貴人).
Bát giai Mỹ nhân (八階美人).
Cửu giai Tài nhân (九階才人).
Tài nhân vị nhập giai (才人未入階).
Các cung nhân không có danh vị
Cung nhân (宮人).
Cung nga (宮娥).
Thị nữ (侍女)
Các phong hiệu được định sẵn từ đầu, các phi tần khi được tấn phong từ "giai" này lên "giai" khác thì ứng theo các phong hiệu đã được định sẵn mà thay đổi. Không chỉ đặt ra Cửu giai với thứ tự cao thấp từ trên xuống dưới, mà ở mỗi giai, phong hiệu nào đứng trước sẽ có địa vị cao hơn phong hiệu còn lại mặc dù với mỗi giai, đãi ngộ là như nhau.
Ví dụ, nhân vật Hiệu Nguyệt theo lịch sử sẽ được sơ phong làm Nhị giai Thành Phi, Phương Nhậm trở thành Nhị giai Trinh Phi,... dù cùng là Nhị giai, đãi ngộ như nhau, nhưng Thành Phi vẫn cao hơn Trinh Phi về mặt địa vị.
Sau đó, Nhị giai Thành phi sẽ được phong làm Nhất giai Quý Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog Phi, Nhị giai Trinh Phi được phong làm Nhất giai Lệnh Phi, phong hiệu đã được định sẵn rất rõ ràng ở từng giai, Hiệu Nguyệt không thể giữ lại chữ "Thành" cũng như Phương Nhậm không thể giữ lại chữ "Trinh" khi được tấn phong từ Nhị giai lên Nhất giai. Dù tiếp tục được tấn làm Nhất giai, nhưng địa vị của Hiệu Nguyệt vẫn hơn Phương Nhậm dù trong bất kì thời điểm nào, có thể hiểu vì sao Phương Nhậm lại luôn "cay cú" Hiệu Nguyệt đến vậy.
Phượng Khấu lên sóng vào mỗi thứ Năm hằng tuần vào lúc 20h00.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét