Sáng 21/3, căn nhà nhỏ bao quanh bằng tôn của chị Pui Phiêu, 23 tuổi, ở làng Klăh, xã Ia Der, huyện Ia Grai đông đúc hơn mọi ngày. Mọi người đến hỏi thăm tình hình sức khỏe và cho Pui Phong ít hộp sữa, sau lần suýt chết trong trụ điện.
Nhận được nhiều quà, song mặt cậu bé người Jarai không vui vì còn mang chút sợ hãi hôm trước cùng nỗi buồn nhớ bố mẹ. Người bác ôm vào lòng, xoa xoa vào những vết trầy xước trên đầu gối cháu, hỏi trong người có đau ở đau không? Phong lắc đầu, rồi lủi thủi vào trong nhà nằm.
Phong đã khỏe mạnh, song vẫn còn sợ hãi bởi lần suýt chết. Ảnh: Trần Hóa. |
Bố đưa mẹ ra Đà Nẵng mổ bướu, hơn một tuần nay, Pui Phong và người anh sinh đôi ở với người bác ruột. Như thường lệ, sáng nào hai anh em cũng sang chơi với hai người con 5 tuổi và 7 tuổi của ông Pui Binh, cách khoảng 60 m.
Bốn đứa trẻ gặp nhau, nghĩ ra đủ thứ trò để chơi. Từ đá bóng, leo cây, bắn bi... thậm chí chúng chia đội đánh nhau, cho đến trưa.
Nhưng hôm qua, mới 10h, trời nắng nóng, cả nhóm thấm mệt vào ngồi nghỉ trước hiên nhà. Riêng Phong cứ loay hoay bên một trụ điện cũ đã bị cắt ngang, nhô lên mặt đất 25 cm, tìm cách lấy cái ống nhựa nằm dưới đáy cột điện.
Không còn cách nào khác, Phong quyết định nhảy xuống hố với ý định dùng chân kẹp ống nhựa đó lên để chơi. Nhưng khi tụt xuống, cậu bé mắc kẹt trong trụ điện. Người anh trai và nhóm bạn nghe tiếng kêu cứu, chạy đến dùng dây thừng, gậy cố kéo Phong lên khỏi mặt đất nhưng không thành.
11h kém, chị Pui Phiêu đang chuẩn bị bữa trưa thì anh trai Phong hớt hải chạy về báo, "em mắc kẹt trong trụ điện rồi". Lật đật chạy ra, chị thấy cháu trai trong trụ điện nước mắt giàn giụa, mặt tái mét. Chị Phiêu hoảng hốt, vội vàng nắm lấy tay Phong, cố kéo lên, song càng kéo cháu càng khóc thét lên vẻ mặt đau đớn. "Nó cứ nắm chặt tay tôi, bảo cứu con", chị Phiêu nhớ lại.
Cột điện Phong mắc kẹt đã được san lấp. Ảnh: Trần Hóa. |
Dân làng xung quanh thấy vậy, họ chạy tới nháo nhào tìm mọi cách cứu cháu, người thì đào đất xung quanh trụ, mua hơn một lít dầu ăn đổ vào kéo cháu lên nhưng không thành. Một số phụ nữ trong làng thay phiên nhau che ô giúp cho Phong khỏi nắng, mua sữa cho cháu uống và động viên bé liên tục.
Sau gần hai giờ giải cứu bất thành, người dân buộc phải gọi cảnh sát cứu hộ.
Vị trí Phong gặp nạn cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng một km, chỉ mất hơn 10 phút, trung úy Nguyễn Văn Giang và 14 chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ tiếp cận được hiện trường. Trung úy Giang cũng như đồng nghiệp không tin vào mắt mình, lần đầu tiên họ nhìn thấy một đứa trẻ 8 tuổi có thể chui lọt vào cái trụ điện rộng khoảng 30-35 cm.
Họ xác định đó là một trụ điện đúc bêtông chắc chắn, chôn sâu xuống đất hơn một mét, chưa kể phần móng trụ. Nạn nhân mắc kẹt trong tư thế hai đầu gối chạm đáy, hai chân gập ra đằng sau, hai tay đưa lên trên đầu. "Mọi người quyết định đào đất quanh trụ, dùng máy khoan, đục mở bêtông từ dưới lên cho chân cháu duỗi ra, lúc ấy bé mới có thể đứng lên được", anh Giang kể.
Lúc ấy, Phong bắt đầu hoảng sợ, yếu dần, không đủ sức khóc lớn. Người thân phải liên tục tiếp sữa, nước uống và cầm tay giúp cháu đỡ mỏi. Nắng nóng, khó thở, nhiều lần cậu bé phải lấy tay đập vào ngực, lính cứu hộ liên tục xả nhẹ khí oxy chống ngạt.
Trong khi khoan cắt trụ điện dày vài Biên phiên dịch cm, với nhiều sắt thép, sợ các mảnh vỡ bay vào làm tổn thương da thịt, các chiến sĩ nhét chăn vào trong và bịt tai cháu lại nhằm giảm tiếng ồn. Cắt một vài miếng, họ phải dừng lại hỏi han, động viên bé.
Phong mắc kẹt trong trụ điện trưa 20/3. Ảnh: Văn Giang. |
Phá được một miếng, rồi hai miếng bêtông... dần dần cái chân phải cậu bé duỗi ra, đến cái chân còn lại. Đúng 15h, Phong đứng thẳng lên và được cảnh sát cứu hộ bế thoát ra ngoài trong sự reo hò, mừng rỡ của các chiến sĩ và người dân. "Chúng tôi ai cũng thấm mệt, căng thẳng, nhưng khi cứu được cháu, tất cả đều nhảy cẫng lên vì sung sướng", trung úy Giang nói.
Ông Văn Đình Hậu, Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai cho biết, hiện trường nơi xảy ra sự việc là một trụ điện bêtông đã đập, dỡ bỏ, còn lồi lên mặt đất 25 cm và nằm trong rẫy người dân. Trụ điện thuộc công trình nâng cao khả năng truyền tải đường dây 110 kV, được đưa vào vận hành từ năm 2001.
Đến năm 2016, đường dây được cải tạo nâng cấp (phân pha), do Công ty lưới điện cao thế miền Trung (nay là Công ty dịch vụ điện lực miền Trung) làm chủ đầu tư. Trong thời gian thi công, đơn vị đã đập gập 1/3 thân trụ.
Năm 2019, Công ty Điện lực Gia Lai tiếp nhận quản lý nên cũng không để ý lắm. "Đó là sơ suất của đơn vị. Sáng nay công ty đã cho cán bộ đi lấp và san bằng các trụ đã được đập, dỡ bỏ trước đó", ông Hậu khẳng định.
Hôm qua lúc Pui Phong gặp nạn, mẹ cháu vừa mổ bướu xong ở Đà Nẵng, chuẩn bị phẫu thuật tim, nên không ai dám báo, sợ ảnh hưởng đến tinh thần. "Nhưng chắc sáng nay bố mẹ cháu đã biết nhờ đọc báo, và điện về nhờ chăm sóc hai đứa cháu cẩn thận", chị Phiêu nói và không biết trả lời sao khi chúng hỏi "bao giờ bố mẹ về".
Trần Hóa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét